Tổng hợp chính sách thuế tháng 10

A/ Về Thuế giá trị gị gia tăng:

1. Về việc giảm thuế GTGT:

* Ngày 19/10/2021, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đã ký ban hành Nghị quyết số 406/NQ-UBTVQH15 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về ban hành một số giải pháp nhằm hỗ trợ doanh nghiệp, người dân chịu tác động của dịch Covid-19.

Theo đó, Giảm thuế giá trị gia tăng kể từ ngày 01 tháng 11 năm 2021 đến hết ngày 31 tháng 12 năm 2021 đối với các hàng hóa, dịch vụ sau đây:

(i) Dịch vụ vận tải (vận tải đường sắt, vận tải đường thủy, vận tải hàng không, vận tải đường bộ khác); dịch vụ lưu trú; dịch vụ ăn uống; dịch vụ của các đại lý du lịch, kinh doanh tua du lịch và các dịch vụ hỗ trợ, liên quan đến quảng bá và tổ chức tua du lịch;

(ii) Sản phẩm và dịch vụ xuất bản; dịch vụ điện ảnh, sản xuất chương trình truyền hình, ghi âm và xuất bản âm nhạc; tác phẩm nghệ thuật và dịch vụ sáng tác, nghệ thuật, giải trí; dịch vụ của thư viện, lưu trữ, bảo tàng và các hoạt động văn hóa khác; dịch vụ thể thao, vui chơi và giải trí. Hàng hóa, dịch vụ trong nhóm (ii) không bao gồm phần mềm xuất bản và các hàng hóa, dịch vụ sản xuất, kinh doanh theo hình thức trực tuyến.

Tùy thuộc vào phương pháp tính thuế, mức giảm thuế giá trị gia tăng được áp dụng như sau:

– Doanh nghiệp, tổ chức tính thuế giá trị gia tăng theo phương pháp khấu trừ sản xuất, kinh doanh hàng hóa, dịch vụ quy định tại khoản này được giảm 30% mức thuế suất thuế giá trị gia tăng;

– Doanh nghiệp, tổ chức tính thuế giá trị gia tăng theo phương pháp tỷ lệ % trên doanh thu sản xuất, kinh doanh hàng hóa, dịch vụ quy định tại khoản này được giảm 30% mức tỷ lệ % để tính thuế giá trị gia tăng.

Nghị quyết này có hiệu lực kể từ ngày ký ban hành.

* Ngày 27/10/2021 Chính phủ  ban hành Nghị định 92/2021/NĐ-CP quy định chi tiết thi hành Nghị quyết 406/NQ-UBTVQH15 về một số giải pháp nhằm hỗ trợ doanh nghiệp, người dân chịu tác động của dịch Covid-19.

Theo đó, trình tự, thủ tục thực hiện giảm thuế GTGT như sau:

– Đối với doanh nghiệp, tổ chức tính thuế giá trị gia tăng theo phương pháp khấu trừ , khi lập hoá đơn giá trị gia tăng cung cấp hàng hóa, dịch vụ thuộc đối tượng giảm thuế giá trị gia tăng, tại dòng thuế suất thuế giá trị gia tăng ghi “mức thuế suất theo quy định (5% hoặc 10%) x 70%”; tiền thuế giá trị gia tăng; tổng số tiền người mua phải thanh toán. Căn cứ hóa đơn giá trị gia tăng, doanh nghiệp, tổ chức sản xuất kinh doanh hàng hóa, dịch vụ kê khai thuế giá trị gia tăng đầu ra, doanh nghiệp, tổ chức sản xuất kinh doanh mua hàng hóa, dịch vụ kê khai khấu trừ thuế giá trị gia tăng đầu vào theo số thuế đã giảm ghi trên hóa đơn giá trị gia tăng.

– Đối với doanh nghiệp, tổ chức tính thuế giá trị gia tăng theo phương pháp tỷ lệ % trên doanh thu sản xuất, kinh doanh hàng hóa, dịch vụ, khi lập hoá đơn bán hàng cung cấp hàng hóa, dịch vụ thuộc đối tượng giảm thuế giá trị gia tăng, tại cột “Thành tiền” ghi đầy đủ tiền hàng hóa, dịch vụ trước khi giảm, tại dòng “Cộng tiền hàng hóa, dịch vụ” ghi theo số đã giảm 30% mức tỷ lệ trên doanh thu, đồng thời ghi chú: “đã giảm… (số tiền) tương ứng 30% mức tỷ lệ để tính thuế giá trị gia tăng theo Nghị quyết số 406/NQ-UBTVQH15”.

– Trường hợp doanh nghiệp, tổ chức kinh doanh nhiều hàng hóa, dịch vụ thì khi lập hóa đơn, doanh nghiệp, tổ chức lập hóa đơn riêng cho hàng hóa, dịch vụ được giảm thuế giá trị gia tăng.

– Trường hợp doanh nghiệp, tổ chức đã lập hóa đơn và đã kê khai theo mức thuế suất hoặc mức tỷ lệ % để tính thuế giá trị gia tăng chưa được giảm thì người bán và người mua phải lập biên bản hoặc có thỏa thuận bằng văn bản ghi rõ sai sót, đồng thời người bán lập hóa đơn điều chỉnh sai sót và giao hóa đơn điều chỉnh cho người mua. Căn cứ vào hóa đơn điều chỉnh, người bán kê khai điều chỉnh thuế đầu ra, người mua kê khai điều chỉnh thuế đầu vào (nếu có).

– Trường hợp doanh nghiệp, tổ chức kinh doanh hàng hóa, dịch vụ thuộc đối tượng được giảm thuế giá trị gia tăng đã phát hành hóa đơn đặt in dưới hình thức vé có in sẵn mệnh giá chưa sử dụng hết và có nhu cầu tiếp tục sử dụng thì doanh nghiệp, tổ chức thực hiện đóng dấu theo giá đã giảm 30% mức thuế suất thuế giá trị gia tăng hoặc giá đã giảm 30% mức tỷ lệ % bên cạnh tiêu thức giá in sẵn để tiếp tục sử dụng.

– Doanh nghiệp, tổ chức quy định tại Điều này thực hiện kê khai các hàng hóa, dịch vụ được giảm thuế giá trị gia tăng theo Phụ lục giảm thuế giá trị gia tăng theo Nghị quyết số 406/NQ-UBTVQH15 tại Phụ lục II ban hành kèm theo Nghị định 92/2021/NĐ-CP cùng với Tờ khai thuế giá trị gia tăng.

Nghị định này có hiệu lực kể từ ngày Nghị quyết số 406/NQ-UBTVQH15 có hiệu lực thi hành.

B/ Về Thuế thu nhập doanh nghiệp:

1. Về việc giảm thuế TNDN:

Theo Nghị quyết số 406/NQ-UBTVQH15 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội trường hợp người nộp thuế theo quy định của Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp có doanh thu năm 2021 không quá 200 tỷ đồng và doanh thu năm 2021 giảm so với doanh thu năm 2019 được giảm 30% số thuế thu nhập doanh nghiệp phải nộp của năm 2021.

 Nghị quyết này có hiệu lực kể từ ngày ký ban hành.

* Ngày 27/10/2021 Chính phủ  ban hành Nghị định 92/2021/NĐ-CP quy định chi tiết thi hành Nghị quyết 406/NQ-UBTVQH15 về một số giải pháp nhằm hỗ trợ doanh nghiệp, người dân chịu tác động của dịch Covid-19.

Theo đó, việc giảm thuế TNDN như sau:

Đối tượng áp dụng: Việc giảm thuế thu nhập doanh áp dụng đối với người nộp thuế thu nhập doanh nghiệp là tổ chức hoạt động sản xuất kinh doanh hàng hóa, dịch vụ có thu nhập chịu thuế (sau đây gọi chung là doanh nghiệp) theo quy định tại Điều 1 Nghị quyết số 406/NQ-UBTVQH15 , bao gồm:

+ Doanh nghiệp được thành lập theo quy định của pháp luật Việt Nam.

+ Tổ chức được thành lập theo Luật Hợp tác xã.

+ Đơn vị sự nghiệp được thành lập theo quy định của pháp luật Việt Nam.

+ Tổ chức khác được thành lập theo quy định của pháp luật Việt Nam có hoạt động sản xuất kinh doanh có thu nhập.

– Giảm 30% số thuế thu nhập doanh nghiệp phải nộp của kỳ tính thuế thu nhập doanh nghiệp năm 2021 đối với trường hợp doanh nghiệp có doanh thu trong kỳ tính thuế năm 2021 không quá 200 tỷ đồng và doanh thu trong kỳ tính thuế năm 2021 giảm so với doanh thu trong kỳ tính thuế năm 2019.

Không áp dụng tiêu chí doanh thu trong kỳ tính thuế năm 2021 giảm so với doanh thu trong kỳ tính thuế năm 2019 đối với trường hợp doanh nghiệp mới thành lập, hợp nhất, sáp nhập, chia, tách trong kỳ tính thuế năm 2020 và năm 2021.

+ Kỳ tính thuế thu nhập doanh nghiệp được xác định theo năm dương lịch, trường hợp doanh nghiệp áp dụng năm tài chính khác với năm dương lịch thì kỳ tính thuế thu nhập doanh nghiệp xác định theo năm tài chính áp dụng quy định tại Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp và các văn bản hướng dẫn thi hành.

+ Doanh thu trong kỳ tính thuế thu nhập doanh nghiệp bao gồm toàn bộ tiền bán hàng, tiền gia công, tiền cung ứng dịch vụ và từ hoạt động kinh doanh dưới hình thức hợp đồng hợp tác kinh doanh, kể cả trợ giá, phụ thu, phụ trội mà doanh nghiệp được hưởng theo quy định của Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp và các văn bản hướng dẫn thi hành, không bao gồm các khoản giảm trừ doanh thu, doanh thu từ hoạt động tài chính và thu nhập khác.

+ Trường hợp doanh nghiệp mới thành lập, doanh nghiệp chuyển đổi loại hình doanh nghiệp, chuyển đổi hình thức sở hữu, hợp nhất, sáp nhập, chia, tách, giải thể, phá sản trong kỳ tính thuế thu nhập doanh nghiệp hoạt động không đủ 12 tháng thì doanh thu của kỳ tính thuế đó được xác định bằng doanh thu thực tế trong kỳ tính thuế chia (:) cho số tháng doanh nghiệp thực tế hoạt động sản xuất kinh doanh trong kỳ tính thuế nhân (x) với 12 tháng. Trường hợp doanh nghiệp mới thành lập, doanh nghiệp chuyển đổi loại hình doanh nghiệp, chuyển đổi hình thức sở hữu, hợp nhất, sáp nhập, chia, tách, giải thể, phá sản trong tháng thì thời gian hoạt động được tính đủ tháng.

Trường hợp kỳ tính thuế năm đầu tiên đối với doanh nghiệp mới thành lập là năm 2020 hoặc kỳ tính thuế năm cuối cùng đối với doanh nghiệp chuyển đổi loại hình doanh nghiệp, chuyển đổi hình thức sở hữu, hợp nhất, sáp nhập, chia, tách, giải thể, phá sản là năm 2022 mà có thời gian ngắn hơn 03 tháng và doanh nghiệp được cộng vào kỳ tính thuế năm 2021 để hình thành một kỳ tính thuế thu nhập doanh nghiệp thì việc xác định doanh thu và số thuế được giảm chỉ áp dụng đối với 12 tháng của kỳ tính thuế năm 2021.

+ Trường hợp doanh nghiệp có đơn vị phụ thuộc, địa điểm kinh doanh thì doanh thu trong kỳ tính thuế thu nhập doanh nghiệp bao gồm doanh thu của đơn vị phụ thuộc, địa điểm kinh doanh thể hiện trên báo cáo tài chính tổng hợp năm.

– Cách xác định số thuế thu nhập doanh nghiệp được giảm

Số thuế thu nhập doanh nghiệp được giảm của kỳ tính thuế năm 2021 được tính trên toàn bộ thu nhập của doanh nghiệp, bao gồm cả các khoản thu nhập quy định tại khoản 3 Điều 18 Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp, số thuế thu nhập doanh nghiệp được giảm quy định tại Nghị định này được tính trên số thuế thu nhập doanh nghiệp phải nộp của kỳ tính thuế năm 2021, sau khi đã trừ đi số thuế thu nhập doanh nghiệp mà doanh nghiệp đang được hưởng ưu đãi theo quy định của Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp và các văn bản hướng dẫn thi hành.

– Kê khai giảm thuế

+ Căn cứ doanh thu trong kỳ tính thuế năm 2019 và dự kiến doanh thu trong kỳ tính thuế năm 2021, doanh nghiệp tự xác định số thuế được giảm khi tạm nộp thuế thu nhập doanh nghiệp hàng quý. Doanh nghiệp xác định số thuế thu nhập doanh nghiệp chính thức được giảm để kê khai theo mẫu tờ khai ban hành kèm theo Thông tư số 80/2021/TT-BTC ngày 29 tháng 9 năm 2021 của Bộ Tài chính hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Quản lý thuế và Nghị định số 126/2020/NĐ-CP ngày 19 tháng 10 năm 2020 của Chính phủ và trên Phụ lục thuế thu nhập doanh nghiệp được giảm tại Phụ lục II ban hành kèm theo Nghị định này.

+ Khi thực hiện quyết toán thuế thu nhập doanh nghiệp năm 2021, việc xử lý số thuế nộp thiếu hoặc nộp thừa của số thuế tạm nộp các quý so với số thuế phải nộp theo quyết toán năm thực hiện theo quy định của pháp luật về quản lý thuế.

+ Qua thanh tra, kiểm tra, kiểm toán, cơ quan thuế, cơ quan có thẩm quyền phát hiện doanh nghiệp không thuộc đối tượng được giảm thuế theo quy định của Nghị định này hoặc số thuế phải nộp của kỳ tính thuế năm 2021 lớn hơn số thuế doanh nghiệp đã kê khai thì doanh nghiệp phải nộp đủ số tiền thuế thiếu so với số phải nộp sau khi đã được giảm theo quy định tại Nghị định này (nếu có), bị xử phạt vi phạm hành chính về thuế tính trên số tiền thuế thiếu và tính tiền chậm nộp theo quy định của pháp luật về quản lý thuế, pháp luật về xử lý vi phạm hành chính.

Trường hợp doanh nghiệp khai bổ sung hồ sơ khai thuế thu nhập doanh nghiệp của kỳ tính thuế năm 2021 hoặc theo quyết định, kết luận, thông báo kết quả thanh tra, kiểm tra, kiểm toán của cơ quan thuế, cơ quan có thẩm quyền làm tăng số thuế thu nhập doanh nghiệp phải nộp thì số thuế tăng thêm được giảm 30% theo quy định của Nghị định này nếu doanh nghiệp vẫn đáp ứng điều kiện được giảm thuế quy định tại khoản 2 Điều này.

Trường hợp doanh nghiệp khai bổ sung hồ sơ khai thuế thu nhập doanh nghiệp của kỳ tính thuế năm 2021 hoặc theo quyết định, kết luận, thông báo kết quả thanh tra, kiểm tra, kiểm toán của cơ quan thuế, cơ quan có thẩm quyền làm giảm số thuế thu nhập doanh nghiệp phải nộp thì điều chỉnh giảm số thuế thu nhập doanh nghiệp được giảm theo quy định của Nghị định này và xử lý số tiền thuế nộp thừa (nếu có) theo quy định của pháp luật về quản lý thuế.

Nghị định này có hiệu lực kể từ ngày Nghị quyết số 406/NQ-UBTVQH15 có hiệu lực thi hành.

2. Về chính sách thuế đối với khoản chi phí liên quan đến dịch Covid – 19:

Tổng cục Thuế có công văn số 4110/TCT – DNNCN ngày 27/10/2021 hướng dẫn về chính sách thuế đối với khoản chi phí liên quan đến dịch Covid – 19.

Theo đó: Đối với các khoản chi phí cách ly y tế do dịch Covid – 19 ở trong nước và tại nước ngoài đối với trường hợp đi công tác tại nước ngoài (chi phí tiền ăn, tiền ở; chi phí xét nghiệm Covid – 19; chi phí đưa đón từ nơi nhập cảnh vào Việt Nam hoặc từ nơi phát hiện đối tượng phải thực hiện cách ly y tế đến cơ sở cách ly y tế; chi phí phục vụ nhu cầu sinh hoạt trong những ngày cách ly y tế; …) để thực hiện theo yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền và các khoản chi phí xét nghiệm Covid – 19 hoặc mua kit xét nghiệm Covid – 19 cho người lao động, chi phí mua các thiết bị cho người lao động nhằm bảo vệ người lao động khỏi nguy cơ lây nhiễm trong quá trình làm việc và các chi phí ăn, ở của người lao động ở tại doanh nghiệp hoạt động theo phương án “3 tại chỗ” thì các khoản chi phí này được tính vào chi phí được trừ khi thuế thu nhập doanh nghiệp và không tính vào thu nhập chịu thuế thu nhập cá nhân của người lao động.

Bộ Tài chính (Tổng cục Thuế) xin lưu ý rằng các khoản chi phí nêu trên phản ánh thực tế phát sinh và có đầy đủ hóa đơn, chứng từ theo đúng quy định của pháp luậ

C/ Về  Thuế Thu nhập cá nhân:

1. Về việc miễn thuế thu nhập cá nhân, thuế giá trị gia tăng và các loại thuế khác đối vơi cá nhân kinh doanh.

* Theo Nghị quyết số 406/NQ-UBTVQH15 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về một số giải pháp nhằm hỗ trợ doanh nghiệp, người dân chịu tác động của dịch Covid-19.

Theo đó: Miễn thuế thu nhập cá nhân, thuế giá trị gia tăng và các loại thuế khác phải nộp phát sinh từ hoạt động sản xuất, kinh doanh của các tháng trong quý III và quý IV năm 2021 đối với hộ, cá nhân có hoạt động sản xuất, kinh doanh tại các địa bàn cấp huyện chịu tác động của dịch COVID-19 trong năm 2021 do Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương quyết định. Không áp dụng việc miễn thuế đối với các khoản thu nhập, doanh thu từ cung cấp sản phẩm và dịch vụ phần mềm; sản phẩm và dịch vụ nội dung thông tin số về giải trí, trò chơi điện tử, phim số, ảnh số, nhạc số; quảng cáo số.

Nghị quyết này có hiệu lực kể từ ngày ký ban hành.

* Ngày 27/10/2021 Chính phủ  ban hành Nghị định 92/2021/NĐ-CP quy định chi tiết thi hành Nghị quyết 406/NQ-UBTVQH15 về một số giải pháp nhằm hỗ trợ doanh nghiệp, người dân chịu tác động của dịch Covid-19.

Theo đó, việc miễn thuế đối với hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh như sau:

– Đối tượng áp dụng

Hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh là cá nhân cư trú hoạt động trong mọi ngành nghề, hình thức khai thuế, nộp thuế, có hoạt động sản xuất kinh doanh tại các địa bàn huyện, thị xã, quận, thành phố thuộc tỉnh, thành phố thuộc thành phố trực thuộc trung ương (sau đây gọi là địa bàn cấp huyện) chịu tác động của dịch Covid-19 trong năm 2021.

Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương căn cứ Thông báo trong năm 2021 của cơ quan có thẩm quyền tại địa phương liên quan đến dịch Covid-19, trong đó có nội dung dừng hoặc ngừng hoặc tạm ngừng hoạt động sản xuất kinh doanh đối với một hoặc nhiều hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh trên địa bàn (bao gồm cả việc phong tỏa, cách ly xã hội một hoặc nhiều khu vực trên địa bàn) để ban hành Danh sách các địa bàn cấp huyện chịu tác động của dịch Covid-19 quy định tại khoản này.

– Miễn thuế phải nộp:

+ Hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh quy định tại khoản 1 Điều này được miễn số thuế thu nhập cá nhân, thuế giá trị gia tăng, thuế tiêu thụ đặc biệt, thuế tài nguyên, thuế bảo vệ môi trường phải nộp phát sinh từ hoạt động sản xuất kinh doanh của các tháng trong quý III và quý IV năm 2021.

Không áp dụng việc miễn thuế quy định tại khoản này đối với các khoản thu nhập, doanh thu từ cung cấp sản phẩm và dịch vụ phần mềm; sản phẩm và dịch vụ nội dung thông tin số về giải trí, trò chơi điện tử, phim số, ảnh số, nhạc số; quảng cáo số.

+ Các trường hợp đã nộp số thuế phát sinh phải nộp từ hoạt động sản xuất kinh doanh của các tháng trong quý III và quý IV năm 2021 thì sẽ được cơ quan thuế xử lý bù trừ số tiền thuế nộp thừa với các khoản nợ hoặc khoản phát sinh của các kỳ tiếp theo và xử lý hoàn nộp thừa (nếu có) theo quy định của pháp luật về quản lý thuế.

– Căn cứ xác định số thuế được miễn

+ Đối với trường hợp cơ quan thuế phải ra Thông báo nộp tiền: cơ quan thuế căn cứ số thuế phải nộp của các tháng trong quý III, quý IV năm 2021 trên Thông báo nộp tiền để xác định số thuế được miễn của hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh.

+ Đối với trường hợp cơ quan thuế không phải ra Thông báo nộp tiền: người nộp thuế (bao gồm cả tổ chức, cá nhân khấu trừ, khai thay, nộp thay cho hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh; hộ kinh doanh sử dụng hóa đơn quyển/lẻ) căn cứ số thuế phải nộp theo Tờ khai thuế để xác định số thuế được miễn của hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh từ hoạt động sản xuất kinh doanh của các tháng trong quý III, quý IV năm 2021. Trường hợp thuộc diện khai thuế theo kỳ thanh toán hoặc khai thuế theo năm (cho thuế tài sản, xây dựng nhà tư nhân, khai từng lần phát sinh khác) thì số thuế được miễn là số thuế phải nộp tương ứng với doanh thu thực tế phát sinh của các tháng trong quý III, quý IV năm 2021. Trường hợp trên hợp đồng cung cấp hàng hóa, dịch vụ của hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh không xác định được doanh thu thực tế phát sinh của các tháng trong quý III, quý IV năm 2021 thì xác định theo doanh thu bình quân tháng theo giá trị hợp đồng.

Trường hợp hợp đồng cung cấp hàng hóa, dịch vụ của hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh ký trong tháng thì thời gian của hợp đồng được tính đủ tháng.

– Trình tự, thủ tục thực hiện:

 Đối với trường hợp cơ quan thuế phải ra Thông báo nộp tiền

+ Cơ quan thuế lập danh sách hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh thuộc diện quản lý tại địa bàn để xác định đối tượng được miễn thuế theo Mẫu số 01-1/DS-MTHK Phụ lục II ban hành kèm theo Nghị định này.

+ Cơ quan thuế căn cứ số thuế phải nộp của từng hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh theo Thông báo nộp tiền trên cơ sở dữ liệu của cơ quan thuế để xác định số thuế được miễn.

+ Chi cục trưởng Chi cục thuế/Chi cục thuế khu vực ban hành 01 Quyết định miễn thuế kèm theo danh sách toàn bộ các hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh được miễn thuế theo Mẫu số 01/MTHK Phụ lục II ban hành kèm theo Nghị định này. Sau thời điểm cơ quan thuế ra quyết định miễn thuế theo Nghị quyết số 406/NQ-UBTVQH15 cho toàn bộ các hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh có hoạt động sản xuất kinh doanh tại địa bàn, nếu có phát sinh hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh mới thì cuối tháng cơ quan thuế lập danh sách để ra Quyết định miễn thuế cho các hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh mới ra kinh doanh được miễn thuế theo Nghị quyết số 406/NQ-UBTVQH15 .

+ Cơ quan thuế ban hành Thông báo miễn thuế theo Nghị quyết số 406/NQ-UBTVQH15 sau khi ban hành Quyết định miễn thuế gửi đến từng hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh theo Mẫu số 01/TBSMT-CNKD Phụ lục II ban hành kèm theo Nghị định này.

Đối với trường hợp cơ quan thuế không phải ra Thông báo nộp tiền

Hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh; tổ chức, cá nhân khấu trừ, khai thay, nộp thay cho hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh; hộ kinh doanh sử dụng hóa đơn quyển/lẻ tự xác định số thuế phải nộp sau khi miễn thuế để khai trên Tờ khai thuế, đồng thời lập bản xác định số thuế được miễn theo Mẫu số 01-1/PL-CNKD Phụ lục II ban hành kèm theo Nghị định này để nộp kèm theo Tờ khai thuế.

Nghị định này có hiệu lực kể từ ngày Nghị quyết số 406/NQ-UBTVQH15 có hiệu lực thi hành.

2. Về chính sách thuế TNCN

Tổng cục Thuế có công văn số 3823/TCT – DNNCN ngày 05/10/2021 hướng dẫn Công ty Cổ phần Kết nối nhân tài về chính sách thuế TNCN.

Theo đó, khoản thu nhập từ khoản tiền ăn giữa ca, ăn trưa do Công ty chi trả phù hợp với hướng dẫn của Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội theo quy định tại tiết g.5, khoản 2, Điều 2 Thông tư số 111/2013/TT-BTC ngày 15/8/2013 của Bộ Tài chính thì không tính vào thu nhập chịu thuế thu nhập cá nhân của người lao động.

– Khoản thu nhập từ phần tiền lương, tiền công làm việc ban đêm, làm thêm giờ được trả cao hơn so với tiền lương, tiền công làm việc ban ngày, làm việc trong giờ theo quy định của Bộ Luật Lao động được miễn thuế thu nhập cá nhân.

– Trường hợp người lao động của công ty là cá nhân cư trú và Công ty chi trả các khoản thu nhập từ tiền lương, tiền công từ hai triệu (2.000.000) đồng/lần trở lên cho người lao động ký hợp đồng lao động dưới ba (03) tháng hoặc chi trả các khoản thu nhập từ tiền lương, tiền công từ hai triệu (2.000.000) đồng/lần trở lên cho người lao động vào thời điểm sau khi đã chấm dứt hợp đồng lao động thì Công ty phải thực hiện khấu trừ thuế thu nhập cá nhân theo mức 10% trên tổng thu nhập chịu thuế từ tiền lương, tiền công của người lao động. Trường hợp người lao động chỉ có duy nhất thu nhập thuộc đối tượng phải khấu trừ thuế theo tỷ lệ nêu trên nhưng ước tính tổng mức thu nhập chịu thuế của người lao động sau khi trừ gia cảnh chưa đến mức phải nộp thuế thì người lao động có thu nhập làm cam kết (theo mẫu ban hành kèm theo văn bản hướng dẫn về quản lý thuế) gửi Công ty để Công ty làm căn cứ tạm thời chưa khấu trừ thuế thu nhập cá nhân.

D/ Về Hóa đơn:

  1. Về báo cáo tình hình sử dụng hóa đơn:

Tổng cục Thuế có công văn số 3913/TCT-CS ngày 12/10/2021 hướng dẫn các Cục Thuế: Hà Nội, Thái Bình, Gia Lai, Ninh Thuận về báo cáo tình hình sử dụng hóa đơn.:

– Hồ sơ khai thuế và thời hạn nộp hồ sơ khai thuế thực hiện theo quy định tại Luật Quản lý thuế số 38/2019/QH14

– Hóa đơn theo quy định tại Nghị định số 51/2010/Nđ-CP ngày 14/05/2010 và Nghị định số 04/2014/NĐ-CP ngày 17/01/2014 của Chính phủ thì thời hạn nộp báo cáo tình hình sử dụng hóa đơn thực hiện theo quy định tại Thông tư số 39/2014/TT-BTC ngày 31/3/2014 của Bộ Tài chính.

– Hóa đơn theo quy định tại Nghị định số 123/2020/NĐ-CP ngày 19/10/2020 của Chính phủ thì thời hạn nộp báo cáo tình hình sử dụng hóa đơn mua của cơ quan thuế thực hiện theo quy định tại Điều 29 Nghị định số 123/2020/NĐ-CP.

E./ Về Quản lý thuế:

  1. Về việc miễn tiền chậm nộp:

Theo Nghị quyết số 406/NQ-UBTVQH15 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về một số giải pháp nhằm hỗ trợ doanh nghiệp, người dân chịu tác động của dịch Covid-19.

Theo đó, Miễn tiền chậm nộp phát sinh trong năm 2020 và năm 2021 của các khoản nợ tiền thuế, tiền sử dụng đất, tiền thuê đất đối với doanh nghiệp, tổ chức (bao gồm cả đơn vị phụ thuộc, địa điểm kinh doanh) phát sinh lỗ trong năm 2020.

Không áp dụng quy định tại khoản này đối với các trường hợp đã nộp tiền chậm nộp.

Nghị quyết này có hiệu lực kể từ ngày ký ban hành.

* Ngày 27/10/2021 Chính phủ  ban hành Nghị định 92/2021/NĐ-CP quy định chi tiết thi hành Nghị quyết 406/NQ-UBTVQH15 về một số giải pháp nhằm hỗ trợ doanh nghiệp, người dân chịu tác động của dịch Covid-19.

Theo đó, việc Miễn tiền chậm nộp như sau

– Xác định số tiền chậm nộp được miễn: Cơ quan thuế quản lý trực tiếp, cơ quan thuế quản lý khoản thuế, thu tiền sử dụng đất, tiền thuê đất căn cứ dữ liệu quản lý thuế, xác định số tiền chậm nộp phát sinh trong năm 2020, năm 2021 của người nộp thuế để ban hành quyết định miễn tiền chậm nộp.

– Thẩm quyền miễn tiền chậm nộp:

Thủ trưởng cơ quan thuế quản lý trực tiếp, cơ quan thuế quản lý khoản thuế, thu tiền sử dụng đất, tiền thuê đất quyết định miễn tiền chậm nộp đối với người nộp thuế.

– Trình tự, thủ tục, hồ sơ xử lý miễn tiền chậm nộp

+ Người nộp thuế lập văn bản đề nghị miễn tiền chậm nộp, trong đó nêu rõ số lỗ phát sinh của kỳ tính thuế năm 2020 theo Mẫu số 01/MTCN Phụ lục II ban hành kèm theo Nghị định này gửi đến cơ quan thuế quản lý trực tiếp, cơ quan thuế quản lý khoản thuế, thu tiền sử dụng đất, tiền thuê đất bằng phương thức điện tử hoặc gửi trực tiếp hoặc qua dịch vụ bưu chính.

Cơ quan thuế quản lý khoản thuế, thu tiền sử dụng đất, tiền thuê đất có trách nhiệm phối hợp với cơ quan thuế quản lý trực tiếp, để xác định điều kiện lỗ phát sinh trong kỳ tính thuế năm 2020 làm căn cứ xem xét miễn tiền chậm nộp.

Trường hợp người nộp thuế đã được thanh tra, kiểm tra, kiểm toán thì gửi kèm Biên bản hoặc quyết định, kết luận, thông báo kết quả thanh tra, kiểm tra, kiểm toán (bản chính hoặc bản sao có xác nhận của người nộp thuế).

Lỗ phát sinh trong kỳ tính thuế năm 2020 được xác định theo quy định của pháp luật về thuế thu nhập doanh nghiệp.

+ Trong thời hạn 15 ngày làm việc kể từ ngày tiếp nhận văn bản đề nghị miễn tiền chậm nộp của người nộp thuế, cơ quan thuế ban hành Thông báo không chấp thuận miễn tiền chậm nộp (Mẫu số 02/MTCN Phụ lục II ban hành kèm theo Nghị định này) đối với trường hợp không thuộc đối tượng được miễn tiền chậm nộp hoặc Quyết định miễn tiền chậm nộp (Mẫu số 03/MTCN Phụ lục II ban hành kèm theo Nghị định này) đối với trường hợp thuộc đối tượng được miễn tiền chậm nộp.

Quyết định miễn tiền chậm nộp được gửi cho người nộp thuế bằng phương thức điện tử và đăng công khai trên trang thông tin điện tử ngành thuế.

+ Trường hợp người nộp thuế đã được miễn tiền chậm nộp nhưng cơ quan có thẩm quyền phát hiện người nộp thuế không thuộc đối tượng được miễn tiền chậm nộp theo quy định của Nghị định này thì cơ quan thuế ban hành quyết định thu hồi quyết định miễn tiền chậm nộp.

– Trường hợp người nộp thuế thuộc đối tượng được miễn tiền chậm nộp theo khoản 1 Điều này khai bổ sung hồ sơ khai thuế hoặc cơ quan thuế, cơ quan có thẩm quyền qua thanh tra, kiểm tra, kiểm toán phát hiện hoặc cơ quan thuế, cơ quan có thẩm quyền có quyết định, thông báo làm tăng số tiền thuế, tiền sử dụng đất, tiền thuê đất phải nộp thì người nộp thuế không phải nộp số tiền chậm nộp phát sinh trong năm 2020, năm 2021 đối với số tiền thuế, tiền sử dụng đất, tiền thuế đất phải nộp tăng thêm nếu đáp ứng điều kiện lô phát sinh trong kỳ tính thuế năm 2020.

– Trường hợp người nộp thuế đã nộp tiền chậm nộp trước thời điểm Nghị quyết số 406/NQ-UBTVQH15 có hiệu lực thi hành thì không xử lý lại.

Nghị định này có hiệu lực kể từ ngày Nghị quyết số 406/NQ-UBTVQH15 có hiệu lực thi hành.

2. Về quy định chi tiết một số điều của Luật Quản lý thuế.

Ngày 29/10/2021, Bộ Tài chính đã ban hành Thông tư số 80/2021/TT-BTC hướng dẫn Luật Quản lý thuế và Nghị định số 126/2020/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều của Luật Quản lý thuế.

– Thông tư này hướng dẫn đối với các khoản thu ngân sách nhà nước do cơ quan thuế quản lý theo quy định tại Điều 7, Điều 28, Điều 42, Điều 59, Điều 60, Điều 64, Điều 72, Điều 73, Điều 76, Điều 80, Điều 86, Điều 96, Điều 107 và Điều 124 của Luật Quản lý thuế ngày 13 tháng 6 năm 2019 và Điều 30, Điều 39 Nghị định số 126/2020/NĐ-CP ngày 19 tháng 10 năm 2020 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Quản lý thuế (Nghị định số 126/2020/NĐ-CP) đối với các nội dung về đồng tiền khai thuế, nộp thuế bằng ngoại tệ và tỷ giá quy đổi; nhiệm vụ, quyền hạn, trách nhiệm của hội đồng tư vấn thuế xã, phường, thị trấn; khai thuế, tính thuế, phân bổ nghĩa vụ thuế, mẫu biểu khai thuế; xử lý đối với việc chậm nộp tiền thuế; xử lý đối với số tiền thuế, tiền chậm nộp, tiền phạt nộp thừa; hồ sơ nộp dần tiền thuế nợ, hồ sơ gia hạn nộp thuế; trình tự, thủ tục hoàn thuế, phân loại hồ sơ hoàn thuế, tiếp nhận hồ sơ hoàn thuế; hồ sơ miễn thuế, giảm thuế; hồ sơ xoá nợ tiền thuế, tiền chậm nộp, tiền phạt; xây dựng, thu thập xử lý thông tin và quản lý thông tin người nộp thuế; trình tự, thủ tục hồ sơ kiểm tra thuế; quản lý thuế đối với hoạt động kinh doanh thương mại điện tử, kinh doanh dựa trên nền tảng số và các dịch vụ khác của nhà cung cấp ở nước ngoài không có cơ sở thường trú tại Việt Nam; kinh phí uỷ nhiệm thu.

– Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01 tháng 01 năm 2022.

– Mẫu biểu hồ sơ khai thuế quy định tại Thông tư này được áp dụng đối với các kỳ tính thuế bắt đầu từ ngày 01/01/2022 trở đi. Đối với khai quyết toán thuế của kỳ tính thuế năm 2021 cũng được áp dụng theo mẫu biểu hồ sơ quy định tại Thông tư này.

Thông tư này bãi bỏ các Thông tư: Thông tư số 156/2013/TT-BTC ngày 06/11/2013; Thông tư số 99/2016/TT-BTC ngày 29/6/2016; Thông tư số 31/2017/TT-BTC ngày 18/4/2017; Thông tư số 208/2015/TT-BTC ngày 28/12/2015; Thông tư số 71/2010/TT-BTC ngày 07/5/2010; Thông tư số 06/2017/TT-BTC ngày 20/01/2017; Thông tư số 79/2017/TT-BTC ngày 01/8/2017 của Bộ Tài chính.

Thông tư này bãi bỏ nội dung tại các Thông tư sau:

+ Điều 1 Thông tư số 119/2014/TT-BTC ngày 25/8/2014 của Bộ Tài chính

+ Điều 14, Điều 15, Điều 16, Điều 17, Điều 18, Điều 19, Điều 20, Điều 21 Chương IV Thông tư số 151/2014/TT-BTC ngày 10/10/2014 của Bộ Tài chính.

+ Điều 2 Thông tư số 26/2015/TT-BTC ngày 27/02/2015 của Bộ Tài chính.

+ Điều 17, Khoản 3 Điều 18 Thông tư số 84/2016/TT-BTC ngày 17/6/2016 của Bộ Tài chính.

+ Điều 3 Thông tư số 130/2016/TT-BTC ngày 12/8/2016 của Bộ Tài chính hướng dẫn nghị định số 100/2016/NĐ-CP ngày 01 tháng 7 năm 2016 của chính phủ quy định chi tiết thi hành luật sửa đổi, bổ sung một số điều của luật thuế giá trị gia tăng, luật thuế tiêu thụ đặc biệt và luật quản lý thuế và sửa đổi một số điều tại các Thông tư về thuế;

+ Điều 3, Điều 4, Điều 12, Điều 20 và Điều 23 Thông tư số 36/2016/TT-BTC ngày 26/02/2016 của Bộ Tài chính.

+ Điều 4, Điều 25 và Điều 26 Thông tư số 176/2014/TT-BTC ngày 17/11/2014 của Bộ Tài chính.

+ Điều 3, Điều 4, điểm b khoản 1 Điều 7 và điểm c, d, đ khoản 2 Điều 7 Thông tư số 22/2010/TT-BTC ngày 12/02/2010 của Bộ Tài chính.

+ Khoản 2, khoản 3, khoản 4 Mục II Phần B và khoản 2, khoản 3, khoản 4 Mục IV Phần B Thông tư số 56/2008/TT-BTC ngày 23/6/2008 của Bộ Tài chính.

+ Điểm a, điểm b Khoản 1 Điều 21 Thông tư số 72/2014/TT-BTC ngày 30/5/2014 của Bộ Tài chính.

+ Khoản 2 Điều 3 Thông tư liên tịch số 206/2014/TTLT/BTC-BQP ngày 24/12/2014 của Bộ Tài chính và Bộ Quốc phong.

+ Điểm b khoản 2 Mục II Thông tư liên tịch số 85/2005/TTLT/BTC-BCA ngày 26/09/2005 giữa Bộ Tài chính và Bộ Công an.

+ Điều 5; Điều 6; Điều 24; khoản 1, các điểm a, b, c, d, đ, e.3, e.4, e.5, e.6, e.7 khoản 2, khoản 7, khoản 8 Điều 26 Thông tư số 111/2013/TT-BTC ngày 15/8/2013 của Bộ Tài chính.

+ Khoản 1, khoản 2, các điểm a.1, a.2, a.3, a.4, b, c, d, đ khoản 3, khoản 4, các điểm b, c, d, đ khoản 6 Điều 21; Điều 22; Điều 23; Điều 24; Phụ lục 02 và mẫu biểu Thông tư số 92/2015/TT-BTC ngày 15/6/2015 của Bộ Tài chính.

– Việc đăng ký, kê khai, nộp thuế đối với nhà cung cấp ở nước ngoài quy định tại Điều 76, Điều 77, Điều 78 và Điều 79 Thông tư này được thực hiện kể từ thời điểm có thông báo của Tổng cục Thuế về hệ thống đăng ký, kê khai, nộp thuế của nhà cung cấp ở nước ngoài trên Cổng Thông tin điện tử đi vào hoạt động.

3. Về việc giảm tiền thuê đất của năm 2021 đối với các đối tượng bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19.

Ngày 25/9/2021, Thủ tướng ban hành Quyết định 27/2021/QĐ-TTg về việc giảm tiền thuê đất của năm 2021 đối với các đối tượng bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19.

Theo đó, đối tượng được giảm tiền thuê đất của năm 2021 là tổ chức, đơn vị, doanh nghiệp, hộ gia đình, cá nhân đang được Nhà nước cho thuê đất trực tiếp theo Quyết định hoặc Hợp đồng của cơ quan nhà nước có thẩm quyền dưới hình thức trả tiền thuê đất hàng năm (sau đây gọi là người thuê đất).

Quy định này áp dụng cho cả trường hợp người thuê đất không thuộc đối tượng miễn, giảm tiền thuê đất và trường hợp người thuê đất đang được giảm tiền thuê đất theo quy định của pháp luật về đất đai và pháp luật khác có liên quan.

Mức giảm tiền thuê đất

– Giảm 30% tiền thuê đất phải nộp của năm 2021 đối với người thuê đất quy định tại Điều 2 Quyết định 27/2021, không thực hiện giảm trên số tiền thuê đất còn nợ của các năm trước năm 2021 và tiền chậm nộp (nếu có).

– Mức giảm tiền thuê đất quy định nêu trên được tính trên số tiền thuê đất phải nộp của năm 2021 theo quy định của pháp luật.

Trường hợp người thuê đất đang được giảm tiền thuê đất theo quy định thì mức giảm 30% tiền thuê đất được tính trên số tiền thuê đất phải nộp sau khi đã được giảm theo quy định của pháp luật.

Quyết định này có hiệu lực từ ngày ký ban hành.

F/ Vấn đề khác có liên quan:

1. Về chế độ kế toán đối với hộ, cá nhân kinh doanh

Ngày 11/10/2021, Bộ Tài chính ban hành Thông tư 88/2021/TT-BTC về chế độ kế toán cho hộ, cá nhân kinh doanh.

Thông tư có hiệu lực từ ngày 01/01/2022 và thay thế Quyết định 169/2000/QĐ-BTC, Quyết định 131/2002/QĐ-BTC.

2.Về lĩnh vực bảo hiểm:

Ngày 20/10/2021 , Thủ tướng Chính phủ  ban hành Quyết định số 32/2021/QĐ-TTg về hạn mức trả tiền bảo hiểm.

Đối với các khoản tiền gửi đã phát sinh nghĩa vụ trả tiền bảo hiểm nhưng chưa được chi trả theo quy định tại Luật Bảo hiểm tiền gửi trước ngày Quyết định này có hiệu lực thi hành, hạn mức trả tiền bảo hiểm thực hiện theo quy định tại Quyết định số 21/2017/QĐ-TTg ngày 15 tháng 6 năm 2017 của Thủ tướng Chính phủ về hạn mức trả tiền bảo hiểm.

 Quyết định này có hiệu lực thi hành từ ngày 12 tháng 12 năm 2021 và thay thế Quyết định số 21/2017/QĐ-TTg ngày 15 tháng 6 năm 2017 của Thủ tướng Chính phủ về hạn mức trả tiền bảo hiểm.

3. Quy định về cơ chế phối hợp giữa các tỉnh, thành phố trong Vùng Thủ đô để thi hành các quy định của pháp luật về Thủ đô.

Ngày 20/10/2021 Chính Phủ ban hành Nghị định số 91/2021/NĐ-CP  quy định về cơ chế phối hợp giữa các tỉnh, thành phố trong Vùng Thủ đô để thi hành các quy định của pháp luật về Thủ đô.

Nghị định này có hiệu lực từ ngày 05 tháng 12 năm 2021.

4. Về thu, nộp khoản lợi nhuận, cổ tức được chia cho phần vốn nhà nước đầu tư tại doanh nghiệp.

Ngày 05/10/2021, Bộ Tài chính ban hành Thông tư 85/2021/TT-BTC hướng dẫn một số nội dung về thu, nộp khoản lợi nhuận, cổ tức được chia cho phần vốn nhà nước đầu tư tại doanh nghiệp.

Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01 tháng 01 năm 2022, áp dụng cho kỳ quyết toán lợi nhuận còn lại phải nộp ngân sách nhà nước năm 2021 và thay thế Thông tư số 61/2016/TT-BTC ngày 11/04/2016 của Bộ Tài chính hướng dẫn thu, nộp và quản lý khoản lợi nhuận, cổ tức được chia cho phần vốn nhà nước đầu tư tại doanh nghiệp.

5. Quy định về ưu đãi đầu tư đặc biệt.

Ngày 06/10/ 2021, Thủ tướng Chính ban hành Quyết định số 29/2021/QĐ-TTg quy định về ưu đãi đầu tư đặc biệt.

Quyết định này quy định về mức, thời gian và điều kiện áp dụng ưu đãi đầu tư đặc biệt đối với các dự án đầu tư quy định tại khoản 2 Điều 20 Luật Đầu tư.

Quyết định này có hiệu lực từ ngày ký ban hành.

Thông tin liên quan

Để lại bình luậnEmail của bạn sẽ không hiển thị trong nội dung bình luận